Hai tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn, Bảo Vật Quốc Gia
Niên đại: Hai tượng Hộ pháp, Thế kỷ XII – XIII, đang lưu giữ tại Chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định được công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 15/01/2020.
Hai tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn gồm: Tượng Ông Đen và Tượng Ông Đỏ, mỗi tượng có trọng lượng khoảng 800kg. Tượng đứng trên bệ tròn, thân hình lực lưỡng; hơi ngả về phía trước, cổ căng ra, đầu quay về hướng đối diện. Hai bàn chân dang ra, đầu gối hơi chùng xuống. Đầu tượng đội vương miện, được tạo thành bởi các dải cánh sen cách điệu, tóc được búi lên thành một búi tròn lớn ở phía sau. Khuôn mặt được tạo với cặp lông mày rậm, gờ nổi lên, đôi mắt to, tròn lồi, mũi to phình ra, đôi tai to và dài, cổ có những đường gân nổi lên, tạo nên sự dữ tợn cho khuôn mặt. Trên thân đeo một sợi dây hình con rắn vắt chéo từ vai xuống hông; phần dưới mặc sampot bó sát đùi.
Tượng Ông Đen cao: 2m45, rộng: 1m52, dày: 0,70m. Tay phải cầm binh khí, tay trái đưa cong lên ngang ngực, lòng bàn tay cầm vật có chuôi hình xoắn ốc. Cổ chân mỗi bên được trang trí đeo hình rắn Naga.
Tượng Ông Đỏ cao: 2m42, rộng: 1m50, dày: 0,72m. Tay trái cầm binh khí, tay phải đưa cong ngang trước ngực. Bắp tay đeo chuỗi hạt có hình cánh sen ở giữa, cổ chân trái đeo hình rắn Naga, cổ chân phải đeo vòng kiềng có hình cánh sen ở giữa.
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế cho thấy, phía sau chùa Nhạn Sơn có một gò đất khá rộng và cao, người địa phương gọi là gò Tam Tháp. Theo tín ngưỡng của Ấn Độ giáo, chức năng của Hộ Pháp thường được đặt ở trước cổng của đường vào các công trình kiến trúc tôn giáo. Vì vậy, hai pho tượng Hộ Pháp chùa Nhạn Sơn vẫn giữ nguyên vị trí thời Vương quốc Champa cho đến bây giờ, gắn liền với 2 pho tượng là khu phế tích đền tháp Champa phía sau chuà Nhạn Sơn.